Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (Kỳ 1)

Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (Kỳ 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Kỳ Phong   
Thứ Tư, 02 Tháng 12 Năm 2009 22:44

 Sách nói về chiến tranh Việt-Pháp và liên hệ Hoa Kỳ-Pháp-Việt Nam trong tương quan quốc tế và chính trị địa lý...

LTS: Ðược sự cho phép của tác giả, nhật báo Người Việt hân hạnh giới thiệu đến quý vị độc giả loạt bài “Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam” được trích từ tác phẩm nhan đề Tự Ðiển Chiến Tranh Việt Nam của Nguyễn Kỳ Phong.

Thư mục về liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam có thể được chia ra làm bốn thời kỳ: Thời sau Ðệ Nhị Thế Chiến và khởi đầu Chiến Tranh Lạnh (những năm thời Tổng Thống Harry Truman và Dwight Eisenhower); thời Tổng Thống John F. Kennedy; Tổng Thống Lyndon Johnson; và thời Tổng Thống Richard Nixon. Sách và tài liệu trong thư mục này cũng được phân ra làm hai loại: sách đến từ tác giả như là cá nhân; và tài liệu chính thức của chánh phủ.

Tài liệu và sách được nói đến trong phần phụ lục này không nhất thiết bao gồm tất cả các tác phẩm nói về chiến tranh Việt Nam đang có mặt; hay phụ lục này cho rằng những sách liệt kê ở đây đáng đọc hơn các tác phẩm không được liệt kê. Những tư liệu được nhắc đến đây chỉ là một tập hợp đại diện những tác phẩm được giới chuyên nghiệp về quân sử và quân sự thường trích dẫn và nhắc đến. Ngoài những tác phẩm viết bằng Anh ngữ, với tất cả sự cố gắng - nhưng chắc sẽ có nhiều khiếm khuyết - người soạn quyển từ điển liệt kê một số tác phẩm Việt ngữ liên hệ đến chiến tranh Việt Nam, do phía Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Việt Nam xuất bản mà người soạn đã đọc qua. Nhận định của soạn giả về những tác phẩm đó giới hạn vào thời điểm những tác phẩm được xuất bản.

Sau Ðệ Nhị Thế Chiến và khởi đầu Chiến Tranh Lạnh. Sách về thời khoảng này rất cần thiết để hiểu vị trí Việt Nam trong sự tương quan tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Sự hiểu biết của Hoa Kỳ về Việt Nam như một quốc gia độc lập - và sau đó như một thuộc địa của Pháp - được ghi trong The United States and Vietnam: 1787-1941 của Robert H. Miller.

Tác giả từng là một nhà ngoại giao thâm niên ở các quốc gia Á Châu. Quyển sách ghi lại những liên lạc đầu tiên của Hoa Kỳ khi thương thuyền của họ đi ngang qua “Indochina.” Sách có nói đến nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam là cụ Bùi Viện. Năm 1873 Bùi Viện được một lãnh sự Mỹ đưa qua San Francisco trên đường đến Washington, DC, để diện kiến Tổng Thống Ulysses S. Grant với hy vọng nhờ Hoa Kỳ can thiệp với người Pháp về sự đàn áp và xâm lấn vào lãnh thổ Việt Nam. Không có nhiều sách bằng Anh ngữ nói về tình hình tổng quát của Việt Nam trong thời gian này. Việt Nam được chính phủ Mỹ chính thức nhắc đến - qua tên French Indochina - khi Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Henry Stimson lo ngại về vị trí chiến lược, kinh tế và nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Ðông Nam Á, nếu Nhật Bản thiết lập sự hiện diện ở Ðông Dương và Ðông Nam Á. Henry Stimson (viết cùng với McGeorge Bundy) trong On Service in War and Peace, nói về chuyện này.

 Ban Tham Mưu Liên Quân (BTMLQ) trong The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam: History of the Indochina Incident, 1940-1954 (giải mật tháng 11-1993); và, Foreign Relations of the United States, 1940-1945, có nói đến Việt Nam, nhưng nói đến như một chi tiết phụ trong liên hệ quan trọng hơn giữa Hoa Kỳ đối với Trung Hoa và Pháp. Một tài liệu khác đi kèm với tài liệu của BTMLQ, The Pentagon Papers (ấn bản chánh thức của Bộ Quốc Phòng; đọc về đề mục này trong từ điển để phân định các ấn bản khác nhau của The Pentagon Papers), cũng là tài liệu cần tham khảo. Tình hình Việt Nam vào những tháng cuối cùng của Ðệ Nhị Thế Chiến được viết khá chi tiết trong Why Vietnam? Prelude to America's Albatross của Archimedes Patti. Thiếu Tá Patti là chỉ huy trưởng của toán OSS Vân Nam, có nhiệm vụ liên lạc với những nhóm kháng chiến chống Nhật ở Ðông Dương - mà nhóm của Hồ Chí Minh là một - và có mặt ở Hà Nội khi Việt Minh chiếm chánh quyền.

Sau Ðệ Nhị Thế Chiến cho đến lúc chánh phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Pháp ở Việt Nam, thái độ của Quốc Hội Hoa Kỳ - và sự hiểu biết của các nghị viên Quốc Hội Mỹ về Việt Nam như một quốc gia, như một nền văn hóa - được William Conrad Gibbons, chuyên viên nghiên cứu thuộc của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, viết lại trong quyển I của bộ sách bốn quyển, The U.S.Government and the Vietnam War: Executive and Legisative Roles and Relationships. Ðây là bộ sách hữu ích viết về liên hệ giữa nền hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Tác giả Gibbons dự định xuất bản năm (5) quyển, nhưng cho đến nay chỉ xuất bản được bốn quyển, ghi lại thời khoảng từ năm 1945 cho đến 1968. Sách trích tất cả tài liệu của Quốc Hội Hoa Kỳ, và những lời tường trình của các thẩm quyền dân sự và quân sự trước các ủy ban của Quốc Hội về Việt Nam trong suốt cuộc chiến.

Sách về thời điểm sau Ðệ Nhị Thế Chiến, cho đến Hiệp Ðịnh Geneve 1954 chia đôi Việt Nam thì rất nhiều. Ngoài hai tài liệu căn bản là The Pentagon Papers và U.S. Foreign Relations, một tài liệu khác đến từ CIA. Năm 2005 CIA cho giải mật một số tài liệu do chính cơ quan này soạn thảo và nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1975. Tập tài liệu có tên Estimative Products on Vietnam, 1948-1975. Tài liệu hơn 1,000 trang, đa số là những nghiên cứu chính thức được giám đốc CIA trình lên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, hay những nghiên cứu được soạn thảo theo lời yêu cầu của tổng thống. Ba tài liệu căn bản nói trên của chánh phủ Hoa Kỳ, là những tài liệu cần thiết để giải thích tại sao lúc đầu hai Tổng Thống Franklin Roosevelt và Harry Truman muốn Pháp trao trả độc lập lại cho Việt Nam, nhưng sau đó lại buông xuôi, tiếp tục hỗ trợ người Pháp trong cuộc chiến Pháp-Việt chín năm.

Những sách khác như, Present at the Creation: My Years in the State Department, của Tổng Trưởng Ngoại Giao Dean Acheson; The White House Years: Mandate for Change, của Tổng Thống Dwight Eisenhower; Roosevelt and the Russians của Tổng Trưởng Ngoại Giao Edward Stettinius; The New History of the Cold War của John Lukacs; The Rivals của Adam Ulam; The Tumultuous Years: The Presidency of Harry Truman của Robert Donovan, cho chúng ta thấy tình hình thế giới trong giai đoạn đầu của sự phân chia tư bản-cộng sản, và bắt đầu cho thời kỳ gọi là Chiến Tranh Lạnh. Về chiến tranh quốc cộng giữa Mao Trạch Ðông và Tưởng Giới Thạch - mà sau lưng là Nga và Mỹ - được tham khảo rất công phu qua quyển America's Failure in China, của Tang Tsou. Chiến thắng của cộng sản ở lục địa Á Châu là một xúc tác làm cho Chiến Tranh Lạnh lạnh hơn, giữa hai khối cộng sản và tự do trên thế giới.

Sách nói về chiến tranh Việt-Pháp và liên hệ Hoa Kỳ-Pháp-Việt Nam trong tương quan quốc tế và chính trị địa lý, Approaching Vietnam: From World War II Through Dienbienphu của Lloy Garner; The Emancipation of French Indochina của Donald Lancaster; các Chương VII, VIII và IX trong tập tài liệu của BTMLQ, nói đến vai trò của người Mỹ. Về cuộc chiến Việt-Pháp như một chủ đề chánh, sách của Bernard Fall, Hell in a Very Small Place; Street Without Joy; Jules Roy, The Battle of Dienbienphu; tài liệu The Pentagon Papers của Bộ Quốc Phòng, cho ta thấy lịch sử cuộc chiến về phương diện quân sự cho đến ngày quân Pháp thất thủ ở Ðiện Biên Phủ. Quyết định và đề nghị sử dụng bom nguyên tử để giải cứu quân trú phòng ở Ðiện Biên Phủ được nói đến trong The Pentagon Papers và trong hồi ký của Tổng Thống Eisenhower.

 Ba tác phẩm, Advice and Support: The Early years, 1941-1960 của Ronald Spector; The Last Valley của Martin Windrow; và, The Sky Would Fall: Operation Vulture: The U.S. Bombing Mission in Indochia in 1954 của John Prados, dựa vào những tài liệu quân sự được giải mật mới nhất, nói về đề nghị sử dụng bom nguyên tử như một giải pháp cuối cùng. Các sách nói trên cũng viết về những biến chuyển, thương lượng và dàn xếp giữa hai khối tự do và cộng sản cho vấn đề Việt Nam để đưa đến Hiệp Ðịnh Geneva 1954. Về chuyện CSVN bị Trung Cộng làm áp lực phải nhận vĩ tuyến 17 như một làn ranh ngưng bắn và phải ký hiệp định, nằm trong The Pentagon Papers; trong Intervention của George Kahin; trong hồi ký Full Circle của Sir Anthony Eden, Ngoại Trưởng Anh Quốc. Nhiều tài liệu liên quan về vấn đề này cũng được Marvin Gettleman thu góp, soạn thảo trong tuyển tập Vienam: History, Documents, and Opinions on a Major World Crisis.

Từ sau Hiệp Ðịnh Geneve 1954 cho đến cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Eisenhower (1960), sách nói về sự thành hình của Việt Nam Cộng Hòa, có những quyển như The Lost Crusade, của Chester Cooper. Cooper là một nhân viên trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, và sau đó là nhân viên tình báo CIA cao cấp. Ông liên hệ đến vấn đề Việt Nam từ Hiệp Ðịnh Geneve 1954 cho đến cuối năm 1968. Quyển I của bộ sách The U.S. Government and the Vietnam War, William C. Gibbons, cho chúng ta thấy nhiều quyết định của hai ngành Hành Pháp và Lập Pháp Mỹ trong những năm đầu của VNCH.

Hai tuyển tập, Vietnam: The First Five Years của Richard Lindholm; và, Vietnam: Anatomy of a Conflict của Wesley Fishel, rất quan trọng để hiểu nội tình - tài chánh, hành chánh, nội an - của VNCH trong những năm đầu. Tài liệu do những tác giả có chân trong đoàn cố vấn dân sự từ trường đại học Michigan State University do giáo sư Wesley Fishel cầm đầu. Ðây là nhóm cố vấn đặt nền tảng đầu tiên cho các cơ quan về kinh tế, an ninh và hành chánh của VNCH sau khi người Pháp chánh thức rời khỏi Việt Nam vào giữa năm 1956. Những quyển sách khác như, In the Midst of War: An American's Mission to Southeast Asia, của Edward G. Lansdale; Lighting Joe: An Autobiography, của Ðại Tướng J. Lawton Collins, là hồi ký của hai nhân vật có nhiều bí mật về liên hệ Việt-Mỹ trong buổi giao thời. Landsdale là nhân viên tình báo CIA; Collins là cựu Tư Lệnh Lục Quân và sau đó là đặc sứ của Tổng Thống Eisenhower ở Sài Gòn.

Qua hai tài liệu của chánh phủ Hoa Kỳ trong giai đoạn này, U.S. Foreign Relations: Vietnam, 1955-57; và, của CIA, Estimative Products on Vietnam, 1948-1975, độc giả có thể tìm thấy một số huấn lệnh quan trọng của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council), hay là những tường trình của CIA liên hệ đến Việt Nam.

 Về mặt quân sự, Advice and Support: The Early Years của Ronald Spector sơ lược lại nhiều tài liệu được giải mật đến từ The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam (1940-1959). Về cơ cấu của các Bộ Tư Lệnh quân sự Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam và khả năng điều khiển cuộc chiến từ những Bộ Tư Lệnh đó, đọc Command and Control, của Thiếu Tướng George Eckhardt. Ở thời khoảng này, quyển I trong bộ sách của William Gibbons nói nhiều về những quyết định của Quốc Hội Mỹ về Việt Nam. (Còn tiếp)