Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (15)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (15) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Hai, 25 Tháng 5 Năm 2009 00:15

 (Tiếp theo) 
Vào ngày 6 tháng 2, 2001, tại tỉnh Ðạc Lắc (Ban Mê Thuột) và Gia Lai (Pleiku), một biến động lớn đã xảy ra (13). Khoảng năm ngàn đồng bào thuộc nhiều sắc dân thiểu số Ê Ðê, Gia Rai,... nổi lên biểu tình phản đối chính quyền đã dung dưỡng và hợp tác với người Kinh liên tiếp chiếm đoạt đất đai của họ để lập đồn điền trồng cà phê, đồng thời cũng ngăn cản họ được không cho theo đạo Tin Lành. Họ cũng đòi được tự trị về chính trị. Vì cà phê là một nguồn xuất cảng quan trọng (mấy năm gần đây Việt Nam đã xuất cảng cà phê chỉ thua có Colombia), dân người Kinh và ngay cả những “khu kinh tế quốc doanh” của quân đội cũng đã từ từ lấn chiếm và khai phá đất đai của dân thiểu số địa phương.
 
Theo báo Quân Ðội Nhân Dân ngày 27-2-2001, một “khu kinh tế quốc phòng” do binh đoàn 16 phụ trách đã được thành lập tại tỉnh Dak Lak từ năm 1999. Khu kinh tế này chiếm tất cả 584,032 mẫu rừng, được khai hoang để trồng cao su, bông vải, hạt tiêu, cà phê. Do việc khai hoang và định cư dân từ những vùng khác cùng với sự tham nhũng của những viên chức hành chánh bắt ép dân địa phương, những bất mãn đã bùng nổ thành biểu tình bạo động, nhất là khi có tin chính phủ trung ương dự định sẽ xây đập thủy điện ở Sơn La và sẽ phải dời khoảng 100 ngàn người (gốc người Thái) đi nơi khác và nơi khác đó chắc chắn là vùng Tây Nguyên. Ðể đối phó với những cuộc biểu tình, chính quyền địa phương phong tỏa toàn tỉnh, cấm phóng viên ngoại quốc đến lấy tin, kiểm soát đường dây điện thoại, sau đó họ huy động công an, quân đội, xe xịt nước để đàn áp, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nhiều ngày tại những địa điểm khác nhau.
 
Khác với những cuộc biểu tình của nhân dân tỉnh Thái Bình mấy năm trước chỉ phản đối về thuế khóa và những viên chức tham nhũng, cuộc biểu tình này liên quan đến những vấn đề lớn lao hơn như luật lệ về sở hữu đất đai, về tình trạng những sắc dân thiểu số, về tự do tôn giáo và tự trị chính trị. Từ nhiều năm, do văn hóa và nếp sống khác nhau, những sắc dân thiểu số tại vùng Tây Nguyên đã khó hòa đồng vào nếp sống của người Việt. Từ sau 1955, những chính quyền liên tiếp ở Nam Việt Nam đã tương đối để cho họ tự trị và đưa ra nhiều biện pháp nâng đỡ. Tuy thế trong năm 1964, đã có một phong trào nổi loạn của phong trào FULRO ( Front Unifié de Lutte des Races Opprimées - Mặt Trận Ðoàn Kết Những Chủng Tộc Bị Áp Bức) nổi lên trong vùng Ban Mê Thuột. Cuộc nổi lọan này bị dập tắt nhanh chóng, những người cầm đầu chạy qua Căm Pu Chia. Sau năm 1975, do kinh tế Việt Nam tồi tệ, đời sống của những người dân thiểu số lại càng khốn khó hơn. Ngoài những khó khăn về vật chất, chính quyền còn tìm cách bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng của họ, nhất là những người theo đạo Công Giáo hay Tin Lành. Vì thế, sau nhiều năm bị chèn ép, họ đã nổi lên biểu tình phản đối.
 
Trước những cuộc biểu tình của dân chúng Tây Nguyên, Bộ Chính Trị của Ðảng phải họp phiên họp bất thường vào ngày 10-02-2001 để tìm cách đối phó. Trước hết, chính quyền trung ương ra lệnh bắt một số những viên chức hành chánh tỉnh Ðắc Lắc phải xuống ở luôn trong các buôn ấp sinh hoạt với dân chúng và giải quyết nhanh chóng những tranh chấp khiếu nại. Các phái đoàn của Ðảng và chính phủ lần lượt đến tận nơi tra xét. Ðầu tiên là Nguyễn Tấn Dũng đến cao nguyên vào tháng 2/2002, sau đó là Phạm Thế Duyệt, Phan Văn Khải trong tháng 3, cuối cùng là Lê Minh Hương (bộ trưởng công an) đến vào tháng 7 và cuối cùng là Nông Ðức Mạnh đến vào tháng 9. Những biện pháp lấy lòng dân được hứa hẹn, chẳng hạn lập nhà máy điện, mở bệnh viện, trường học, lấy đất công cấp phát cho dân nghèo.
 
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, chương trình phát thanh và truyền hình của các sắc tộc khác nhau (Ê Ðê, Jarai, Koho, Mnong và Sedang) được tăng thêm thời gian. Học sinh sinh viên sắc tộc được tăng trợ cấp và quần áo. Những sách báo tuyên truyền ca tụng chính sách về sắc tộc của đảng được in và phân phát, hình Hồ Chí Minh được phát không. Sau đó, một số đất đai bị chiếm lãnh được trao trả bớt lại. Tại Dak Lak, trả lại 165 ngàn mẫu, tại Lâm Ðồng 66 ngàn mẫu. Song song với những biện pháp xoa dịu, chính quyền đổ thừa những vụ biểu tình là nằm trong “âm mưu diễn biến hòa bình của những thế lực thù nghịch” và bắt giữ những người bị nghi là chủ mưu. Chính quyền tuyên bố đã bắt giữ khoảng 20 người và gán những người này là thuộc về lực lượng FULRO từng làm loạn đòi tự trị tại Nam Việt Nam bốn mươi năm trước. Họ tố cáo người cầm đầu là Ksor Kok, hiện định cư tại Hoa Kỳ, mưu định thành lập quốc gia Degar trên vùng Tây Nguyên.
 
Khoảng một ngàn người, phần lớn là đàn bà và trẻ em bỏ trốn sang Căm Pu Chia, nhưng chỉ một số nhỏ được đi định cư tại những quốc gia khác. Số còn lại bị chính phủ Căm Pu Chia đẩy trở về Việt Nam. Tuy đã có những biện pháp xoa dịu và đàn áp, những bất mãn của những sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn âm ỉ. Bị áp lực dư luận của Mỹ, Ðại Sứ Peterson đã lên vùng Tây Nguyên quan sát vào tháng 7 năm 2001, nhưng khi trở về, ông đã than phiền là không được trực tiếp tiếp xúc với dân chúng. Chính quyền Hà Nội cũng mời Hội Ðồng Về Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ cử một phái đoàn đến Việt Nam quan sát vào tháng 2 năm 2002. Tuy nhiên, phái đoàn đã không được gặp những Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý hay ông Lê Quang Liêm của Phật Giáo Hòa Hảo. Hà Nội đã phản ứng dữ dội khi hai tháng sau, Human Rights Watch đưa ra một bản báo cáo dày 200 trang nhan đề “Ðàn Áp Những Người Miền Núi” lên án chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Trước đó, ngày 6-9-01, Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết đạo luật HR 2833 xác nhận không có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng đạo luật này đã bị Thượng Nghị Sĩ Kerry kiềm giữ không cho đưa ra Thượng Viện biểu quyết. Ba năm sau, chính quyền Việt Nam vẫn còn loan báo những xáo động lẻ tẻ vào những ngày lễ Easter hay Giáng Sinh năm 2004.
 
Lợi dụng biến cố Tây Nguyên, trước ngày Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 12 họp lần chót trước đại hội đảng để quyết định cải tổ nhân sự, Lê Khả Phiêu đã thuyết phục được đa số ủy viên Bộ Chính Trị là trong lúc tình hình đang biến động, không nên thay đổi lãnh đạo. Tuy nhiên, khi Hội Nghị Trung Ương Ðảng họp, ý kiến này bị bác bỏ. Ngoài ra, vì bị Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh kiềm chế, Lê Khả Phiêu đã mưu toan dùng Tổng Cục 2, cơ quan tình báo của quân đội đặt máy nghe lén máy điện thoại của những ủy viên Bộ Chính Trị khác (vụ nghe lén này được gọi ám số là A10) để theo dõi hành động và những mưu định của họ.
 
Vụ này bị Lê Văn Dũng và Phạm Văn Trà báo cho Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh. Vì thế, cả hai đã được che chở, chỉ bị khiển trách trong hội nghị. Phạm Văn Trà sau Ðại Hội IX vẫn được giữ làm Bộ Trưởng Quốc Phòng và ở lại Bộ Chính Trị tuy bị sụt thấp xuống 2 hạng, còn Lê Văn Dũng tuy cũng bị khiển trách vì vụ Lý Tống và bị mất chức tham mưu trưởng quân đội, nhưng vẫn được chuyển qua làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị và được vào Ban Bí Thư. Phùng Quang Thanh, đang là Tư Lệnh Quân Khu I được cử thay Lê Văn Dũng trong chức Tham Mưu Trưởng Quân Ðội. Ngoài Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng, ba đảng viên cao cấp khác cũng bị khiển trách và sau đó mất chức là Ðoàn Văn Kiên, Hoàng Ðức Nghi và Hà Quang Dự. Ðoàn Văn Kiên là tổng giám đốc tổng công ty than đá Vinacoal, vì quản lý sai lầm đã khiến than sản xuất ra không ai mua bị ứ đọng 4 triệu tấn phải bán phá giá và khiến cho một số lớn nhân công phải nghỉ việc. Hoàng Ðức Nghi, chủ tịch Ủy Ban Sắc Tộc, vì đã để xảy ra biến cố Tây Nguyên và Hà Quang Dự, chủ tịch ủy ban thể dục thể thao, vì có quá nhiều gian lận trong những cuộc tranh giải thể thao. Lê Khả Phiêu bị khiển trách và phê bình về việc nghe lén và mất chức tổng bí thư.
 
Ðại Hội Ðảng Lần Thứ Tám của đảng Cộng Sản Việt Nam họp vào giữa năm 1996 là lúc mà sự tranh chấp quyền lực giữa bộ ba Mười, Anh, Kiệt cầm quyền đang trở nên gay gắt. Sự tranh chấp này chỉ có thể giải quyết được vào hơn một năm sau, nhưng vì những người thay thế như Phiêu, Lương, Khải đều yếu thế cho nên vai trò chính trị cũng như ảnh hưởng của bộ ba kể trên vẫn còn tồn tại cho tới hết nhiệm kỳ năm năm của đại hội. Trong thời gian đó, Lê Khả Phiêu đã được đưa lên cầm quyền như một biện pháp hòa giải. Vì kém khả năng, không có một hậu thuẫn vững mạnh trong Ðảng và lại phải cầm quyền trong một thời gian mà tình hình quốc tế và quốc nội gặp nhiều khó khăn cho nên Lê Khả Phiêu đã không có được một biện pháp lãnh đạo mạnh mẽ nào để có thể cải thiện tình hình trong mọi phương diện: kinh tế, nội an hay bài trừ tham nhũng... Tệ hại hơn nữa, căn bản là một chính trị viên, trong sự chọn lựa giữa ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và quyền lợi quốc gia, Lê Khả Phiêu đã nghiêng nhiều về ý thức hệ và đã nhượng bộ Trung Hoa quá nhiều, nhất là về lãnh thổ và lãnh hải, với hy vọng lấy lòng được những phần tử bảo thủ (phần lớn do Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh chi phối) hầu giữ nguyên được quyền vị. Do tình trạng kinh tế sa sút, tệ nạn tham nhũng trong đảng và chính quyền gia tăng, sự bộc phát những bất mãn của nhân dân ở Thái Bình, Ðồng Nai, Tây Nguyên cùng với sự thao túng của Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh,... Lê Khả Phiêu đã bị loại ra khỏi phạm vi quyền lực sau khi mới làm Tổng Bí Thư được hơn nửa nhiệm kỳ.
 

Chú thích:
 
1. Dù Nguyễn Văn Linh được coi như người bắt đầu phong trào Ðổi Mới ở Việt Nam, nhưng về sau, ông ta rất sợ bị gọi là Gorbachev Việt Nam. Ông ta từng gọi Gorbachev là kẻ “cơ hội”. Những cán bộ cốt cán của Cộng Sản Việt Nam khác cũng rất thù ghét cả Gorbachev lẫn Yeltsin, hai người đã phá sập cái thiên đường của họ. Nhà xuất bản Công An Nhân Dân đã cho xuất bản cuốn sách “Sự Phản Bội Của Gooc Ba Trốp” qui lỗi cho Gorbachev về sự sụp đổ của khối Cộng.
 
3. Việc mất chức của Nguyễn Hà Phan, tài liệu mật của đảng Cộng Sản Việt Nam ghi rằng: “Trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, khi đồng chí Nguyễn Hà Phan bị bắt và giam cầm, đồng chí đã không giữ được danh dự của người Cộng Sản và đã tiết lộ cho địch những cơ sở nằm vùng. Sau khi được tha năm 1964, đồng chí không báo cáo những sai lầm với Ðảng. Những lỗi lầm của đồng chí Nguyễn Hà Phan rất nghiêm trọng. Trung Ương đảng quyết định xử lý kỷ luật với đồng chí Nguyễn Hà Phan và trục xuất ra khỏi Ðảng” (trích Robert Templer trong Shadows and Wind). Lỗi lầm của Nguyễn Hà Phan cũng như quyết định mật đó của Trung Ương Ðảng chắc chắn do phe Võ Văn Kiệt tiết lộ.
 
4. Lý Quý Chung trước khi chết đã viết cuốn “Nhật Ký Không Tên”. Người viết không biết nhiều về cá nhân ông, nhưng qua hành động, ông điển hình là một người “cách mạng 30”. Dĩ nhiên là ông đã từng đối lập với chính phủ Cộng Hòa, nhưng chính phủ đó vẫn nương nhẹ ông, để cho ông viết báo chỉ trích chánh phủ, kiếm tiền, làm dân biểu, đi ngoại quốc. Bạn bè ông, người thân của ông đi tù, trong nhật ký của ông, ông không viết một lời thông cảm. Nhật ký chỉ ghi lại những hậm hực vì không được trọng dụng. Một chuyện khác, trong khi cả những cán bộ Cộng Sản cao cấp cũng công nhận lỗi lầm về việc cải tạo công thương nghiệp sau 1975 thì trong nhật ký của ông, điều duy nhất mà ông ấm ức là chính quyền đã tịch thu nhà của cha ông, khi ông “tại tòa báo và thời điểm đó, tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp, tư sản tư doanh “.Bỏ rơi những người quốc gia, nhưng những người Cộng Sản chính thống cũng không coi ông ra gì, ông là điển hình của giai cấp lưng chừng, “phi cầm phi thú” theo như nhà văn Hoàng Hải Thủy.
 
5. Vụ đàn áp nhân dân Thái Bình:
www.hrw.org/reports/1997/vietnam
 
6. Kaysone Phomvihane: sinh năm 1920, cha là người Việt (tên Nguyễn trí Loan ?), là người thực sự chỉ huy đảng Cộng Sản Ai Lao đằng sau Souphanouvong. Làm tổng bí thư kiêm thủ tướng từ 1975 đến 1991 thì từ chức, lên làm chủ tịch nước. Chết năm 1992, được Việt Nam bỏ tiền ra làm một viện bảo tàng kỷ niệm Phomvihane rất lớn. Mấy năm gần đây, vì Trung Hoa muốn tranh giành ảnh hưởng với Việt Nam tại Lào, cho nên năm 2006, họ làm một cái tượng của Phomvihane cao 8.5m để đặt trước nhà bảo tàng này (xin đọc: Ai Lao: đất và người, của Hàn Lệ Nhân, website Vietnamexodus).
 
7. Vụ án của Trịnh Vĩnh Bình và Phương Vicarrent, xin đọc bài của Trần Quốc Hoàn (bút hiệu) và bài của ký giả Trọng Kim (báo Ngày Nay) trên website Ðàn Chim Việt. Người viết Trần Quốc Hoàn, có lẽ là một nhân viên trong Bộ Công An nên cũng đã rất rõ về Nguyễn Khánh Toàn. Nguyễn Khánh Toàn là nhân vật số 2 trong Bộ Công An, vào năm 2007 còn bị tai tiếng về gian lận nhà đất. Ông Hoàn còn biết rõ vợ Nguyễn Khánh Toàn là Phạm Gia Liên có hùn hạp làm ăn với Ngô Chí Ðan.
 
8. Theo Sheri Prasso (
http://sheridanprasso.com/viet.trade.htm), người ra lệnh cho Phan Văn Khải không ký BTA là Ðỗ Mười dù cho lúc đó Ðỗ Mười không còn là tổng bí thư, cũng không phải là ủy viên Bộ Chính Trị mà chỉ là “cố vấn”. Mấy năm sau, trong một Hội Nghị Trung Ương Ðảng, nhiều ủy viên trung ương đã chỉ trích gay gắt Ðỗ Mười là làm trái nguyên tắc, nhưng lúc này Ðỗ Mười cũng đã không còn là cố vấn.
 
9. Chuyến đi của Phạm Thế Duyệt sang Trung Hoa năm 1999, ngoài việc tham khảo ý kiến về thỏa ước BTA, còn để học hỏi thêm về việc phát triển Mác xít khi thực hành kinh tế tư bản. Ðể biện luận điều này, ủy viên Bộ Chính Trị Trung Hoa Li Ruihuan nói rằng “chủ nghĩa Mác không gạt bỏ mà còn hấp thụ tất cả những thành tựu của văn minh loài người”
 
10. Trong lễ ký kết thỏa ước, Phan Văn Khải đến tham dự, nhưng Chu Ðông Cơ không đến, mà chỉ cử Hoàng Nghị (Wang Yi), trưởng phái đoàn thương thuyết của Trung Hoa, tương đương với cấp thứ trưởng thay mặt mà thôi.
 
11. Việc xé lẻ ASEAN của Trung Hoa được Trần Quang Cơ gọi là để tránh cảnh “quần lang đả hổ”.
 
12. Cuộc đời Lý Tống là một cuộc đời bất khuất nhưng cũng ly kỳ không kém những nhân vật của Jack London và đã được kể lại trong báo Reader's Digest. Ông mãn hạn tù (lần thứ ba) ở Thái Lan năm 2007, chính quyền Cộng sản Việt Nam đòi dẫn độ ông về Việt Nam. Mới đầu, tòa sơ thẩm đồng ý nhưng ngày 3-4-2007, tòa phúc thẩm đã bác bỏ chuyện này vì hành động của Lý Tống đối với Việt Nam có tính cách chính trị và luật Thái Lan không cho phép dẫn độ tù chính trị. Ông trở về Hoa Kỳ vào tháng 4, 2007. Tổng cộng ông đã ở tù 21 năm. Trong lần đầu tiên vượt ngục từ Việt Nam tới Singapore, ông được chuyển qua trại Galant để cứu xét định cư, có một hội đoàn gửi tặng ông 500 Mỹ kim, ông đã không dùng và bỏ hết vào quĩ giáo dục trẻ em tị nạn trên đảo.
 
13: Vụ xáo trộn Tây Nguyên: Thunder from the Highlands của Margot Cohen trong Tập san Far Eastern Economic Review số tháng 3, 2001