Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Miền Bắc sau 1954 (I)

Miền Bắc sau 1954 (I) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục DCVOnline   
Thứ Hai, 17 Tháng 11 Năm 2008 06:21

 

 Trần Dần năm 28 tuổi (1926-1997)

Nguồn ảnh: TL gia đình

 

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ

(Trích bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần sáng tác năm 1955, đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân 1956)

Bài thơ của Trần Dần là hình ảnh tóm gọn đầy đủ về Hà Nội sau 1954. Không ai có thể nói hơn được Trần Dần qua bốn câu thơ đó. Nhưng cũng vì bốn câu thơ này đã làm ông lao đao suốt cả đời. Kể từ đó, không ai viết về Hà Nội như thế được nữa. Đó là Hà Nội thật. Hà Nội đổi chủ. Hà Nội sau 1954.

Phải đợi đến Nguyễn Ngọc Lan, sau 1975, ra thăm miền Bắc về viết bài: Hà Nội tôi thế đấy trên tờ Đứng Dậy. Thế đấy là thế nào? Là nghèo nàn, đói rách, tả tơi? Nguyễn Ngọc Lan không nói, để tự người đọc hiểu thế nào thì hiểu. Nhưng Hà Nội hiểu Nguyễn Ngọc Lan xỏ xiên. Không lâu sau 1975 thì đến lượt Nguyễn Ngọc Lan lại bị thất sủng. Viết bài này, tôi nhớ đến hai người ấy.

Bốn giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 1954. Ngày đáng ghi nhớ. Ngày mà còn nhiều cán bộ nhớ lại là trên đường về Hà Nội: “Tôi nhớ chuyến xe hôm ấy về Hà Nội, hành khách đua nhau hát suốt dọc đường.” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 37)

Những ngày đầu phấn khởi

Nhà thơ Trần Dần hơn ai hết đã ghi lại trong nhật ký những ngày đầu tiếp thu Hà Nội với niềm tự hào và tin tưởng. Trần Dần, Ghi 1954-1955 như sau.

“Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hoà Bình. Những tiếng đồng hồ này có một giá trị đặc biệt. Dần dần, người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hằng triệu con người thay đổi hẳn… Nhưng (…) sự thay đổi nó dần dà, góp gió, góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.

Hôm nọ có bà bảo tháng 10 thì vui thế. Ngày 10 tháng 10 là ngày tiếp quản Hà Nội. Một phút mà cách nhau hai chế độ mấy trăm năm”.

Đó là cảm nhận kỳ diệu của thời gian của một kiếp người. Một phút trước là nô lệ, một phút sau là con người của tự do.

Ngày ấy người ta say mê, đầy tương lai trong người. Có cán bộ hay nhắc lại những ngày đó. Cho là dân chóng quên. Không thấy hạnh phúc của mình. Hoài Thanh diễn thuyết ở đảng xã hội cũng nói vậy. Chúng ta chóng quên. Quên mất hạnh phúc lớn của mình. Tôi cũng đồng ý là nên nói như vây.Với điều kiện là phải nghĩ rằng: chúng ta không thể ăn được bằng dư vị bữa tiệc tháng 10 ấy.

Hà Nội với rừng cờ, biển người

Trong một bài viết trước đây của tôi, tôi cũng chia xẻ tâm tình của người Hà Nội những ngày tháng 10, 1954 như sau:

“Rừng cờ, rừng người, một rừng cánh tay giơ lên. Thật khó diễn tả cho hết những gì người ta nhìn thấy. Trong rừng người tiến vào thành phố, thật khó để biết ai là sĩ quan chỉ huy. Chẳng ai có thể nhận ra những đồng chí như Bùi Quang Tạo, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm. Người ta nhốn nhác tìm bóng dáng ông Giáp hay ông Hồ nhưng không thấy. Vài ngày sau, qua báo chí, người dân Hà Nội được biết các ông ấy đã về tới Hà Nội, nhưng ở đâu thì không ai hay.”

Quân Việt Minh qua phố Hàng Đào Hà Nội (1954) - Hà Nội chuyển mình

Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS

 Hà Nội đã thay đổi diện mạo. Với rừng cờ đỏ. Ở đâu ra mà sẵn vậy?

Đâu đây, người ta thấy một tấm biểu ngữ lớn với hàng chữ thô kệch văn chương lắm:

Cùng nhau múa hát mấy bài

Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang

Người ta nhận thức ngay được phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới. Có một chút nhạy bén và sức lan truyền đến lạ lùng trong đám thị dân năm thành phần được cách mạng công nhận là thợ thuyền, nông dân, binh sĩ, tiểu tư sản và tiểu tư sản yêu nước. Các cô gái con nhà, yểu điệu thục nữ, mượt mà, quần lụa trắng, áo dài mà mỗi bước đi cố gắng vắt xéo đôi chân từ bên này qua bên kia nay áo cánh nâu, quần đen, tay cầm lá cờ đỏ.

Đôi guốc son thời con gái nay đổi ra đôi dép cao su, hiệu con hổ mầu trắng. Những cô gái áo dài quần lụa trắng vắng bóng dần. Thay vào đó là những áo cánh nâu chật chội với những thân hình con gái vạm vỡ, lực lưỡng như những lực điền, đi đứng huỳnh huỵch. Những ông công chức với thói quen complet, cravatte, giầy da, mũ phớt lọt thỏm trong đám đông người với những mũ tai bèo.

Nó báo hiệu một thời đã hết. Bời vì lúc ấy nghèo là một chứng chỉ tốt, giầu chỉ thêm mối lo. Vì thế, cũng không thiếu người đã “giả nghèo” chẳng khác gì “giả câm, giả điếc”, “giả ngu ngơ”.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ, nó có sự ngược chiều vô lý. Người Hà Nội “giả đi xuống”, che dấu đủ thứ. Người mới tới lại thích phô ra. Họ săm săm đi tìm những phế thải lỗi thời còn để lại. Một anh cán bộ vẫn mũ tai bèo, nhưng gắn thêm đôi kính râm vào mặt, chiếc bút máy parker gài trên túi. Chiếc đồng hồ đeo tay phô ra. Trông anh lố bịch thêm. Nhiều anh không ngại ra tiệm trồng răng gắn thêm hai chiếc răng vàng để cười cho sang. Ở nhà thì ráng mua cho bằng được cái màn tuyn nằm cho thoáng, bõ những ngày muỗi cắn, đi ra đi vào súng sính trong bộ pyjama. Hứng quá, thoải mái quá. Mặc luôn bộ đồ ngủ đi ra ngoài đường cho tiện.

Các nữ cán bộ thì một chút thoang thoảng môi son, chút má hồng. Đủ để cho người ta biết người mình thơm tho. Nhưng lộ liễu quá thì chưa tiện. Và tại sao chối từ một chút nước hoa thay cho mùi ngai ngái của mồ hôi, mùi tóc muối lâu ngày.

Cứ như thế mà cuộc đấu tranh ai thắng ai trong mỗi con người cứ lớn dần lên. Người ta cảnh cáo cẩn thận hiện tượng mất bản chất. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể cho tôi nghe, về Hà Nội là rủ nhau đi mấy quán ăn ngon cho đỡ thèm. Cũng bị bá cáo và cảnh cáo.

Cảnh cáo cho có lệ. Nhưng chắc chẳng ai thèm nghe.

Phải chăng đó là những sự thay đổi tận gốc rễ của người Hà Nội và cả của người mới tới?

Các bà mệnh phụ trước đây cứ một bước lại ngồi xe tay nay lạch bà lạch bạch ráng theo đoàn người đi tới. Mọi người hình như bằng mọi cách khuôn ép, tự sắp xếp mình vào năm thành phần trên. Đường phố vốn nhỏ hẹp nay chật cứng người như nêm cối. Như tự phát, từng đám người như thế lũ lượt như những đám rước trên đường phố hết đám này đến đám khác. Trong đám đông ai đó hô Hồ chủ tịch muôn năm! thế là cả cái cỗ xe người đồng lượt vung cánh tay hô theo. Họ ùn ùn kéo đến Nhà Hát Lớn, đi qua rạp chiếu bóng Eden, nhà in Viễn Đông, còn được gọi là nhà in Ideo, hướng về phía vườn hoa Con Cóc rồi Bắc Bộ phủ. Nổi bật là những đám thanh thiếu niên, không biết bằng cách nào và từ bao giờ, ăn mặc như hướng đạo mà mỗi em đều quàng một chiếc khăn quàng đỏ.

Hình như cả thành phố chỉ có dân chúng chứ chưa có bóng dáng người lãnh đạo.

Vậy mà cái guồng máy đó chạy đều, nhịp nhàng hăm mươi bốn trên hai mươi bốn. Thành phố như vô chủ, chỉ có đám đông, chỉ có người gặp người, người nhìn người, đi ngược, đi xuôi. Gặp nhau có lối chào mới: giơ nắm tay đồng loạt hô to. Muôn năm, muôn năm!!

Chẳng có gì có thể tả hết được cái ngày như thế, cái khung cảnh như thế, cái vận hành, cái chuyển đổi, lột xác như thế.

Những đoàn người cuồn cuộn như dòng nước lớn không dứt, hết đám này đến đám khác cho mãi đến nửa khuya và bắt đầu lại vào sáng sớm ngày mai. Chính quyền mới trong một tích tắc đồng hồ đã biến đổi đám người trước đây có thể là tiểu thương, viên chức của Pháp, nếu không nói là theo Tây, Việt gian của Tây trở thành một đám quần chúng hăng say mà không mất một ngày tập huấn.

Trong số ấy, có nhiều nhà tư sản kinh doanh hăng say nay muốn hiến hết cho chính quyền tài sản, cơ nghiệp. Họ phải tự giác, tự làm đơn chờ đợi xem có được chính quyền chấp nhận hay không, chấp nhận thành kẻ hợp doanh với nhà nước. Đó là một vinh dự cho họ được cải tạo từ chủ nhân nay trở thành người lao động. Sau khi được chấp nhận rồi, họ cất được cái mũ “phớt” tư sản để đội cái mũ” tai bèo”, để hội nhập xã hội mới với những tước danh mới như công thương gia yêu nước, kỹ nghệ gia tiên tiến hay cao hơn nữa được gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc và may mắn hơn, xúc động đến oà nước mắt nếu được “xuống” làm phó giám đốc xí nghiệp.

Nhưng thay đổi một cái mũ có đủ để thay đổi được cả một cuộc đời không?

Sau đó thì họ trắng tay, nhưng ngược lại họ trở thành nhân vật được mọi người kính nể. Họ là những người yêu nước tiêu biểu như các ông Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Sơn Hà, ông Bùi Hưng Gia, ông bà Trịnh Văn Bô. (Xem Mặt Thật, Thành Tín, trang 84)

Ở miền Nam sau này cũng như thế, nhưng ở mức quy mô và lớn gấp 10 lần. Họ tất cả đều hoan hỉ hiến cho chính quyền mới. Các vua kẽm gai, vua sắt, vua máy cầy, vua hãng dệt nay xuống thành thứ dân vô sản. Ôi, hạnh phúc biết bao, vì đã được đổi đời?

Trong số những nhân vật uy tín này, người viết có vinh dự được nghe danh ông Ngô Tử Hạ, người đã có công với cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến bằng cách in ấn các truyền đơn cho cách mạng và bây giờ hiến toàn bộ cơ sở nhà in, ấn loát cho chính quyền mới.

Nhưng giả dụ, ông Ngô Tử Hạ đã không hiến trước thì liệu ông có giữ được sản nghiệp không và liệu người ta có để yên cho ông làm ăn hay không? Nhưng không ai dám nêu câu hỏi vớ vẩn đó ra nên cũng không bao giờ có câu trả lời.

Tuy vậy, những ngày tháng ấy kéo dài chẳng được bao lâu, vì người ta phải đương đầu với thực tế trước mặt. Người ta dần dần thất vọng. Trong đó có Trần Dần. Và ông đã viết như sau:

“Tháng 10 là bữa tiệc lớn cho nhân dân thủ đô. Nhưng bây giờ là tháng 3.1955. Người ta phải ăn bằng những bữa cơm hằng ngày”…

Không thể ăn bằng ký ức một bữa tiệc từ năm ngoái

Câu hỏi được đặt ra saụ 5 tháng sống dưới chế độ mới. Người ta được gì?

Nỗi mừng, niềm vui qua mau và bây giờ là cuộc sống cơm áo với trăm điều phải lo.

Nay thì lo là chính, lo lấn át tất cả. Mừng là phụ.

Nỗi mừng nay biến thành nỗi lo và cả miền Bắc đều lo như vậy.

Bức màn tre phủ xuống trên toàn miền Bắc

Một bức “màn tre” đã phủ xuống trên toàn miền Bắc. Chữ bức “màn tre” lần đầu tiên được người ta dùng để thay thế cho chữ bức “màn sắt” quen thuộc để chỉ các nước cộng sản như Liên Xô hoặc Đông Âu.

Ngữ nghĩa chữ bức màn tre là chỉ thị một chế độ độc tài, khép kín, bưng bít che đậy không để lọt ra thế giới bên ngoài những gì đang xảy ra bên trong đó.

Trong vòng 20 năm, bức màn tre ở miền Bắc đã xảy ra 3 điều cực kỳ quan trọng là: Một là về chính trị, họ tiến hành chiến tranh nhằm xâm chiếm miền Nam. Hai là, về xã hội, khi cuộc di cư vừa chấm dứt thì vào khoảng tháng 5/1955, chính quyền miền Bắc quay trở lại chính sách Cải cách ruộng đất đã thực hiện từ 1953, sau đó tiến hành Hợp tác hóa nông nghiệp. Ba là, về văn hóa, trấn áp giới văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn giai phẩm.

Cả ba vụ việc đó đều dùng Bạo Lực “cách mạng” để đạt được mục đích bằng sự hy sinh xương máu của người dân theo đúng tinh thần của Các Mác: Bạo lực là bà đỡ của Cách Mạng.

Sau này liên lạc giữa hai miền Nam Bắc ngăn cách bởi bức màn tre này thành hai thế giới và sự liên lạc giữa hai miền giới hạn vào những tấm thư bưu phiếu. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi mất hẳn. Số phận những người chọn ở lại hay bất đắc dĩ phải ở lại sau bức màn tre đó ra sao? Không còn ai biết được nữa.

Bài viết sau đây dành chọn để ghi lại hoàn cảnh miền Bắc sau 1954 với tất cả những trớ trêu lịch sử oan khiên và những hệ lụy từ chế độ đó mà ra.

Xin ghi tiếp phần nhật ký 1954 của Trần Dần để thấy được những thực trạng Hà Nội sau 1954 và những đổi thay, chuyển biến tâm trạng của nhà thơ Trần Dần.

Nhà thơ viết tiếp những suy tư của mình:

Về Hà Nội được đúng 10 ngày. Hà Nội ít thay đổi. Gặp bố. Anh Đường. Cháu Hà. Anh Lan. Gặp bạn. Trần Mai Châu. Một số người không gặp.

Nay thì những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó.Tôi bị bao vây. Chặt quá, ép quá… Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở.. Nhưng sao buồn thế? Khổ thế ? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi. Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.

Cái màn biểu diễn giáng xuống đầu tiên là việc đổi tiền từ tiền Đông Dương sang tiền cụ Hồ. Trong vụ đồi tiền này, người dân tự nhiên mất 2/3 tài sản của mình. Cụ thể là một bát phở trước đây giá là 3 đồng bạc Đông Dương. Mọi người đều bị móc mất số tiền ở trong túi. Nay muốn ăn một bát phở như thế, phải trả là 10 đồng, Người cộng sản quả là có tài tạo ra sự khan hiếm. Muối, đường, vải vóc tự nhiên trở thành khan hiếm. Và người ta kháo với nhau rằng, nếu cộng sản làm chủ sa mạc thì chẳng bao lâu, cát sẽ trở thành khan hiếm, phải xếp hàng mới mua được.

Cuộc sống kể từ ngày hôm nay báo hiệu những ngảy đen tối sắp tới.

20/01/1955

Những ngày cuối năm.

Tết năm nay ở Hà Nội. Ít cành đào quá. Hoa thủy tiên cũng hiếm. Hàng sách chưa thấy những bìa xanh đỏ. Phố Hàng Mã có ít hoa giấy. 10 giờ, phố xá đóng im ỉm. Vắng tanh vắng lạnh. Những dãy phố Bà Đanh này phản ảnh tình hình chính trị kinh tế bây giờ. Còn thiết quân luật. Những ngày đầu tiên của Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Nạn đói khu tư. Nạn di cư miền công giáo. Khu 4. Vụ Ba Làng nổi loạn. Hải Phòng phá giá đồng bạc. Các ổ Mỹ, Ngô Đình Diệm phá hoại hòa bình, kều người đi Nam. Đô la Mỹ vẫn làm người nta tốt mắt. Chính nghĩa thì nghèo.

Kinh tế ta vừa thoát khỏi nanh vuốt Mỹ Pháp, còn non yếu, như đứa bé sơ sinh đỏ hon hỏn. Cán bộ máy móc. Vụ thuế công thương gây một panique lớn. Các rạp hát ế khách. Các hiệu ăn chuyển sang phở nhiều. Giá hang đắt lên. Tiền Đông Dương ăn hơn 70 rồi. Nhiều người thất nghiệp. 6 vạn công nhân. 3 vạn cán bộ miền Nam. 30 vạn đồng bào miền Nam phải xếp việc. Trí thức không có việc. Nghệ sĩ chưa tìm được cách sống cho bằng trước. rường tư sụt đi nhiều. Báo chí bán rẻ, ế. Khả năng mua sách của Hà Nội sụt đi. Hiệu cúp tóc vắng. Cyclo bí, cơ quan cán bộ không đi. Lạp sường lồ mát phàn một đêm khéo lắm bán đưuợc cho hai người…

Đúng vây. Kẻ tà có đô la. Chính nghĩa không có tiền. Tùy từng người chọn đường.

(Trích Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập Văn Nghệ phát hành)

Đấy là bức tranh toàn cảnh đời sống miền Bắc sau 1954 được Trần Dần ghi lại đầy đủ và trung thực sau khi hòa bình trở lại. Bức tranh đó nhắc nhở người ta nhớ câu nói của Tacite xưa như sau:”

“Ils firent un désert et l’appelèrent Paix”. (Họ xây dựng nên một sa mạc và gọi đó là Hoà Bình).

Những suy nghĩ của Trần Dần viết ra là rất nhân bản, rất gần gũi và hơn 25 năm sau, tháng 10, 1991, một Trần Dần thứ hai xuất hiện. Sâu sắc hơn, cay đắng hơn, “tàn bạo” hơn. Đó là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh khi ông viết về cuộc sống của ông, đúng hơn về tiểu đoàn 27 mà cho đến 75 chỉ còn sống sót 10 người trong số 500 người lúc đầu: ”Đến bây giờ, lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến? Nền hoà bình này…Hừ hình như tôi thấy các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra”.

Dưới mắt Trần Dần quả thực Hà Nội đã không còn như trước nữa.

Nạn đói đe dọa là có thực.

Nạn đói đe dọa

Khu tư đã rơi vào cảnh đói kém, mất mùa như trong phúc trính của đại sứ Ba Lan. Trong bản báo cáo tháng gửi về nước ông, ông đại sứ viết: Thị trường cần cung cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra ở khu bốn là nơi hội đủ những triệu chứng như: hạn hán, ruộng đất bị bỏ hoang. Nếu Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo thì tình hình sẽ trở thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh. Báo cáo của đại sứ Ba Lan tháng 3 như sau: “Một trong những khó khăn nhất mà các đồng chí của chúng ta gặp phải là nguy cơ xảy ra nạn đói... Hiện nay viện trợ của CHNDTQ đã tới nơi, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vụ mùa tháng 5 không khả quan vì hạn hán kéo dài. May thay, nhờ có viện trợ Trung Quốc nên tháng 5, năm 1955, VNDCCH đã tránh được nạn đói”. Theo báo cáo của đại sứ Ba Lan: “Cuối tháng tư tình hình được cải thiện một chút nhờ gạo, gà và khoai lang gửi từ Trung Quốc đã sang tới nơi ”. (Báo cáo của đại sứ Pietka, Hà Nội, ngày 2/5/1955)

Không có viện trợ thực phẩm của Trung Quốc thì đói to.Tình trạng lương thực ở miền Bắc rất đáng lo ngại mà theo cách tính sơ khởi là mức tiêu thụ gạo không quá 250kg/ mỗi đầu người/ năm (1955 là 286kg/người. 1957 là 285.7kg/người).

Người Pháp cuốn gói ra đi

Nạn đói kém xảy ra phần lớn là do hậu quả sau chiến tranh và sự ra đi của người Pháp cuốn gói theo họ tất cả những gì có thể chở đi được. Người Pháp trù liệu chuyển vào Nam qua tầu chiến Mỹ toàn bộ xe cộ, xe tăng, thiết giáp, súng ống, đạn dược. Trong đó 200.000 tấn đã được dự liệu đưa vào miền Nam. Thêm vào đó là máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liêu (raw materials) kho hàng, tất cả đã được chở vào miền Nam. Tính ước lượng trị giá bằng tiền vào khoảng 2000 triệu francs…Cũng vậy, có 29 trên 30 các xưởng kỹ nghệ của Pháp được tháo gỡ, chuyển vào Nam.

Vì thế, chính quyền mới sau khi tiếp quản các cơ sở kỹ nghệ phải đương đầu với tình trạng bất khả dụng hay khiếm dụng. Chẳng hạn, nhà máy xi măng Hải Phòng, chỉ sản xuất được bằng phân nửa so với trước đây. Sau này nhà máy được xây dựng lại do sự giúp đỡ của Liên Xô từ tháng 9-11/1955 và hoạt động 24/24 với 3 tốp thợ, mỗi tốp 2000 người. Tuy nhiên, cho đến 1956, nó cũng chỉ đạt được 61% tổng sản lượng của năm 1939. Sản lượng xi măng của nhà máy Hải Phòng là 400.000 tấn/năm, trước 1954 đủ cung cấp cho nhu cầu xi măng của miền Bắc.

Nhưng tệ hại nhất vẫn là mỏ than Hòn Gai, trước đây mỏ than Hòn Gai được trang bị máy móc của Mỹ. Năng xuất dĩ nhiên là cao. Nay người Pháp đã tháo gỡ trở đi thứ gi cần phải tháo gỡ, thứ gì dùng được và ngay cả thứ gì xét ra không dùng được, nhưng nếu có thể làm trở ngại cho việc sản xuất thì cũng không từ. Đó là tình trạng Sabotage, phá hoại trước khi bỏ đi. Ấy là chúng tôi không muốn nhắc tới sự phá hoại trực tiếp (sabotage) của nhóm tình báo của đại tá Lansdale vào những ngày cuối cùng của thời hạn 300 ngày theo Hiệp định Genèva.

Vì vậy, việc sản xuất than ở Hòn Gai đã phải quay trở lại thời kỳ tiểu công nghệ lấy sức của người lao động làm chính. Sẽ bốc dỡ than bằng tay, khuân vác bằng sức người. Bao nhiêu công việc nặng nhọc trước đây do máy làm thì nay con người phải lấy sừc người ra mà làm.

Từ đào bằng máy chuyển sang đào bằng tay, sự vận dụng sức người ờ đây phải được kể là vô cùng khó khăn và vất vả cho người lao động. Và chính quyền mới đã bắt đầu làm lại như thế đấy. Nghĩ tới mà khiếp sợ. Và nên nhớ rằng: với sức người, sỏi đá cũng thành cơm.

Nhà máy sợi Nam Định cũng chỉ hoạt động bình thường sau khi Trung Cộng tặng cho 500 máy dệt tự động vào đầu năm 1957. Nhà máy bột giấy (paper mill) cũng được Trung Cộng trang bị lại máy móc và nay hoạt động lại ở Thái Nguyên.

Nhưng quan trọng nhất là nhà máy cơ khí ở Hà Nội được Liên Xô tài trợ và bắt đầu xây cất vào tháng 12/1955. (Trích Revolution, Socialism and Nationalism in Viet Nam, Volume 1, trang 262-263)

Con đường xây dựng Xã Hội chủ nghĩa từ 1954 đến 1975 và từ 1975 đến nay đã đi được bao nhiêu đoạn đường và còn cần thời gian là bao nhiêu năm nữa?

(Còn tiếp)