Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Tiết lộ về những ghi chép cá nhân của cựu Giám đốc cơ quan tình báo Pháp

Tiết lộ về những ghi chép cá nhân của cựu Giám đốc cơ quan tình báo Pháp PDF Print E-mail
Tác Giả: Yves Bertrand   
Thứ Hai, 20 Tháng 10 Năm 2008 20:51

Tạp chí Le Point của Pháp mới đây đã tiết lộ một số trích dẫn trong 23 cuốn sổ ghi chép cá nhân được tịch thu tại nhà của Yves Bertrand cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nước này  hồi đầu năm 2008. Những thông tin trên cho thấy nhiều cuộc điều tra sâu đã được cơ quan tình báo tiến hành nhằm chống lại một số chính khách cấp cao, trong đó có Thủ tướng Lionel Jospin, Charles Pasqua...

Ghi chép của ông Yves Bertrand cũng đề cập tới những vụ án làm rung chuyển nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp trong thời gian từ năm 1992 đến 2004, mà trong đó nổi cộm nhất là vụ buôn bán vũ khí cho Angola.

Như vậy, Yves Bertrand là một trong số ít người nắm giữ bí mật lớn nhất của Cộng hòa Pháp. Làm giám đốc cơ quan tình báo từ năm 1992 đến 2004, Yves Bertrand đã giữ gìn rất cẩn thận toàn bộ những cuốn sổ ghi chép cá nhân trong suốt sự nghiệp của mình. Trong số báo mới nhất, tạp chí Le Point đã cho đăng tải một phần trong tổng số 23 cuốn sổ tay ghi chép được cảnh sát thu giữ tại nhà của Yves Bertrand hồi tháng 1/2008 tại một vụ lục soát trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ án Clearstream. Được đặt tên theo ngân hàng Clearstream tại Luxembourg, vụ bê bối này có đầy đủ những chi tiết của một câu chuyện chính trị ly kỳ, giật gân. Từ hoạt động do thám bậc thầy, những lời tố cáo vô danh và một chiến dịch nhằm bôi nhọ uy tín đối phương, tới những phản ứng kịch liệt để phòng vệ. Vụ án Clearstream được coi là vụ Watergate của nước Pháp. Đầu năm 2006, cái tên Yves Bertrand đã được nêu ra như là tác giả của những danh sách tố cáo nặc danh, tâm điểm của vụ Clearstream. Tuy nhiên, Yves Bertrand luôn phủ nhận cáo buộc trên.

Những cuốn sổ cá nhân của ông Yves Bertrand ghi lại mọi hoạt động của tình báo Pháp từ tháng 5/1998 đến tháng 11/2003 như tên của các tình báo viên, các hoạt động thúc đẩy công tác tình báo, những thông tin cá nhân và cả danh sách chợ búa của ông Bertrand...

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Le Point, ông Yves Bertrand chỉ rõ: "Những cuốn sổ ghi chép này hoàn toàn mang tính cá nhân. Chúng được coi như những tờ giấy nháp và người ta không thể coi những thông tin trong đó là chuẩn xác".

Tuy nhiên, ngoài những thông tin về bản thân mình, người ta còn tìm thấy cả những thông tin mà ông Yves Bertrand viết về nhiều chính khách khác của Pháp. Ngay cả thông tin về hồ sơ tình báo có tên Edvige vốn đang gây ra những cuộc tranh cãi lớn trong chính trường Pháp cũng được tìm thấy trong ghi chép của ông Yves Bertrand. Le Point chỉ rõ để có được những thông tin bí mật này vị giám đốc cơ quan tình báo đã phải nhờ vào một đội ngũ các công chức tận tụy, các mật thám và một vài nhà báo thân tín, thậm chí được trả tiền.

Theo Le Point, phát hiện quan trọng nhất trong những cuốn sổ ghi chép này là việc tình báo Pháp đã sử dụng nhiều đòn phép nhằm loại bỏ Thủ tướng Lionel Jospin và Bộ trưởng Nội vụ Charles Pasqua khỏi cuộc chạy đua vào Phủ tổng thống năm 2002. Đối với cựu Thủ tướng Lionel Jospin, Le Point chỉ khai thác những chi tiết của một cuộc điều tra đặc biệt được Yves Bertrand tiến hành nhằm vào quá khứ của ông và người thân. Trước thông tin này, cựu Thủ tướng Lionel Jospin, người từng muốn xóa sổ Cơ quan Tình báo Pháp, đã không có phát biểu gì.

Còn đối với cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp Charles Pasqua, những ghi chép của Yves Bertrand cho thấy chính người đứng đầu cơ quan tình báo này đã thúc giục các ngành tư pháp nhanh chóng tiến hành việc luận tội Charles Pasqua sau những gì người này dính dáng vào vụ buôn bán vũ khí cho Angola. Hiện nay, ông Yves Bertrand đang là Tổng Thanh tra trong Chính phủ Pháp.

Tiết lộ của Le Point còn cho thấy mối quan hệ đầy sóng gió giữa ông Bertrand và nhân vật số 2 của tình báo Pháp thời bấy giờ, Bernard Squarcini. Người này hiện là Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Pháp (DCRI) được thành lập từ sự sáp nhập của Cơ quan Tình báo giám sát lãnh thổ (DST) và Tổng cục Tình báo (RG). Theo tiết lộ, một trong những nữ cộng sự của Bertrand thường xuyên báo cho ông tin tức về Squarcini. Tờ Le Point đặt nghi vấn: Liệu mối quan hệ căng thẳng trên đã dẫn tới việc tên của Squarcini xuất hiện trong vụ án Clearstream?

Chưa hết, những nghi vấn về khả năng Bertrand là tác giả của bản danh sách tố cáo nặc danh trong vụ Clearstream đặc biệt được củng cố sau khi chính những ghi chép của ông Bertrand cho thấy, người này đã quen kỹ sư tin học Imad Lahoud (kẻ tình nghi làm giả danh sách tố cáo nặc danh của Clearstream) từ năm 2001. Trong khi trước đó ông Bertrand luôn khẳng định chỉ biết đến cái tên Imad Lahoud qua báo chí. Cũng liên quan tới vụ Clearstream, báo Le Point còn tiết lộ nhiều cuôc gặp gỡ giữa ông Yves Bertrand với một nhà báo. Theo đó năm 2003, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Pháp đề nghị nhà báo này làm việc cho ông ta để chống lại ông Sarkozy. Vì bị thân tín của đương kim Tổng thống Sarkozy nghi ngờ đứng đằng sau một "văn phòng đen" ngăn cản bước đường vào điện Élysée của ông Sarkozy, đến cuối năm 2004, Yves Bertrand đã bị chính ông Sarkozy, lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, cho về vườn. Về phần mình, vị cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Pháp này luôn phủ nhận những việc ông đã làm để chống lại ông Sarkozy.

Ông Yves Bertrand, làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Pháp trong suốt 12 năm liên tục dưới 8 đời Bộ trưởng Nội vụ, đã cho ra mắt cuốn hồi ký vào tháng 3/2008 có tên: "Tôi không biết gì nhưng tôi sẽ nói tất cả những vụ án lớn của nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp"