Các thánh tích của đạo Chúa ở Nazareth và Cana Print
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm -Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Năm, 15 Tháng 7 Năm 2010 10:27

Thành phố Nazareth là quê hương thời thơ ấu của Chúa Giêsu sống cùng thánh gia thất của ông Giuse và bà Maria.

Ðây là thánh địa của Ki Tô Giáo với Thánh Ðường Truyền Tin xây tại nơi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin bà Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ cho cuộc sống ở dương trần. Tại Nazareth còn có Giếng Nước Ðức Mẹ Maria và làng Cana ở hướng Ðông Bắc là nơi diễn ra Tiệc Cưới Cana, Chúa làm phép lạ lần đầu để biến nước lã thành rượu.

Sau một đêm nghỉ trong tu viện các bà sơ Pháp thuộc dòng Tiểu Muội (Little Sisters of Jesus) ở thành phố Nazareth thuộc tỉnh Cực Bắc Israel cách Jerusalem khoảng 80 miles (130 km) về hướng Bắc. Sáng ngày Thứ Bảy 27 Tháng Hai 2010 đoàn hành hương chúng tôi dậy sớm đi bộ sang Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin để dự thánh lễ hàng ngày do cha hướng dẫn dâng lễ.

Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin

Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin (Basilica of the Annunciation) là ngôi nhà thờ được xây trên một hang đá nơi thiên thần Gabriel hiện ra để báo tin cùng Ðức Bà Maria là bà được Chúa chọn làm mẹ và bà đã mang thai Chúa Jesus. Ngôi nhà thờ hiện tại là một giáo đường tân thời thuộc quyền giáo hội Công Giáo trông coi.

Giáo đường có một tháp hình nón úp ở giữa trung tâm thành phố và xây trên nền những ngôi nhà thờ cũ. Có thể nói nhà thờ hiện tại là nhà thờ thứ 4. Ngôi nhà thờ đầu tiên xây dưới thời Byzantine từ thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5, bình đồ xây theo hình thánh giá có 4 cánh với 3 cung thánh. Nhà thờ tồn tại đến thế kỷ thứ 9 thì bị đoàn binh Thập Tự Giá phá hủy. Sau đó nhà thờ được xây lại lớn hơn trong thời kỳ Thập Tự Chinh cai trị với một dòng tu ở phía Nam và tòa giám mục ở phía Bắc nhà thờ.

Vào năm 1187 Hồi Giáo từ Ả Rập đánh chiếm đất Do Thái và tàn sát tất cả những tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Nazareth vào ẩn náu trong nhà thờ. Nhà thờ bị bỏ hoang cho đến năm 1263 thì bị phá hủy thành bình địa. Vào thế kỷ 14 tuy nhà thờ không còn nhưng tín hữu Ky Tô được phép tới kính viếng hang đá nơi thiên thần truyền tin và người Hồi giữ cửa để thu tiền lệ phí. Sau đó miếng đất nền nhà thờ bị làm bãi chứa rác và rồi làm nơi nuôi dê, bò.

Mãi đến thế kỷ 16 các thầy tu dòng Francisco mới lấy lại các vùng đất thánh và tái lập tòa nhà giám mục cũng như sửa chữa lại nhà thờ, tuy nhiên sau đó họ bị trục xuất nhiều lần. Cho đến năm 1730 các thầy tu dòng Francisco mới hoàn toàn làm chủ và xây nhà thờ mới, rồi được nới rộng năm 1871.

Trải qua hơn 200 năm nhà thờ xuống cấp và hư hại nên phá hủy hoàn toàn năm 1955. Sau đó bắt đầu khởi công xây dựng ngôi giáo đường mới như thấy hiện nay và được thánh hiến nâng lên hàng vương cung thánh đường năm 1969. Hiện Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin là nhà thờ chánh xứ với họ đạo Nazareth có khoảng 7,000 tín đồ Công Giáo và là nhà thờ Công Giáo lớn nhất vùng Trung Ðông.


Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin ở Nazareth.
 
Trên tường bên ngoài nhà thờ có những bức tranh diễn tả Ðức Mẹ Maria cẩn đá màu Mosaic do các cộng đoàn Công Giáo khắp thế giới dâng tặng.

 Tuy hình ảnh vẫn là Ðức Mẹ nhưng bức tranh mỗi quốc gia mang một sắc thái, đường nét nghệ thuật khác nhau, thấy có các nước như Ðại Hàn, Thái Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha và cả Ðức Mẹ mặc áo dài Việt Nam đang bồng Chúa Hài Ðồng.

Chúng tôi vào bên trong nhà thờ mới biết nhà thờ có hai tầng, tầng trên mặt đất là một gian sảnh đường rộng lớn với những hàng ghế gỗ, phía trên là bàn thờ chính đặt ngay dưới mái vòm nhận ánh sáng thiên nhiên từ các cửa sổ bên trên tỏa xuống.

 Ngay giữa sảnh đường chừa ra một khoảng trống nhìn xuống tầng dưới của nhà thờ. Chúng tôi tham dự thánh lễ được Linh Mục Huỳnh Công Hạnh dâng lễ ở bàn thờ tầng dưới ngay trước hang đá thiên thần Gabriel hiện ra mang tin mừng đến cho Ðức Mẹ. Bên trong hang đá là điểm linh thiêng nhất trong ngôi nhà thờ đặt một bàn thờ khác với nhiều bình hoa tươi, tranh ảnh và đèn nến lung linh rực sáng.

Chúng tôi đến đây quá sớm lúc 6 giờ 45 sáng nên khách hành hương chưa đến, ngoài chúng tôi ra chỉ có vài bà sơ đến dọn dẹp, trang trí hoa đèn bàn thờ. Nếu trưa một chút thì tín đồ vào rất đông và họ sẽ đọc kinh, ca hát bằng tiếng của họ một cách sốt sắng nhưng ồn ào, mình nghe không hiểu gì!

Năm 1999 người Hồi Giáo định xây đền thờ bên cạnh Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin mà không xin giấy phép xây dựng của thành phố. Sự kiện này làm tình hình căng thẳng giữa người Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Cuối cùng nhà nước Israel ra phán quyết ngưng chỉ công trình xây dựng ngôi đền này. Khối Hồi Giáo cũng biểu tình và diễn hành trên các con đường chính thành phố.

Trong quá khứ nhiều nơi trên đất Israel nơi nào có nhà thờ Ki Tô Giáo là sau đó người Hồi sẽ xây đền thờ Mosque bên cạnh với ngọn tháp cao hơn. Hồi Giáo cùng là một nhánh của Ki Tô Giáo tách ra từ thế kỷ thứ 7 nên nhiều thánh địa của Ki Tô Giáo cũng là thánh tích của người Hồi Giáo.


Tranh Ðức Mẹ Maria trong quốc phục Việt Nam ở Thánh Ðường Truyền Tin.

Chúng tôi sang thăm viếng Nhà Thờ Thánh Giuse (Josepth) nằm bên cạnh Vương Cung Thánh Ðường Truyền Tin.

Thánh Giuse thuộc dòng dõi Vua David, làm nghề thợ mộc, là hôn phu của Ðức Trinh Nữ Maria. Theo niềm tin của tín đồ Công Giáo, hai người tuy mang tiếng vợ chồng nhưng không chung đụng xác thịt như thánh kinh Tân Ước viết trong đoạn thiên thần Gabriel truyền tin đến Ðức Mẹ Maria:

“Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi Vua Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.’ Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì?

Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.’

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!’ Sứ thần đáp: ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.’

 Giếng Nước Ðức Mẹ.

 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.’ Rồi sứ thần từ biệt ra đi.” (Luca 1:26-38)

Nhà thờ kính Thánh Giuse được xây ngay trên phần đất xưa kia là xưởng mộc của thánh Giuse. Nhà thờ nhỏ phía trong chỉ đủ chỗ ngồi cho vài trăm người.

Trên bàn thánh đơn giản một cây thánh giá và bên trên là bức tranh vẽ Thánh Giuse. Có một bức tranh khác diễn tả Thánh Giuse chết trong tay Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Nhà thờ cũng thuộc giáo hội Công Giáo.

Chúng tôi đi bộ trở về nhà dòng các bà sơ để ăn sáng. Sau đó được linh mục trưởng đoàn hướng dẫn đi thăm Giếng Nước Ðức Mẹ (Mary's Well) cũng ở gần đây cách vài trăm mét trên hướng Bắc gần quảng trường chính của thành phố Nazareth.

Giếng Ðức Mẹ

Giếng Ðức Mẹ là một kiến trúc xây ngay trên giếng nước công cộng nơi ngày xưa dân làng đến lấy nước đem về dùng. Ðức Mẹ cũng thường đến giếng để lấy nước.

 Theo thánh kinh do Thánh James viết từ thế kỷ thứ 2 Sau Công Nguyên thì Ðức Mẹ được thiên thần truyền tin tại giếng nước này. Thánh James viết rằng: Maria là một trong bảy trinh nữ đạo hạnh thuộc dòng dõi David được chọn để dệt bức màn mới cho Ðền Các Thần Linh trong đền thờ Jerusalem. Cô ta đang làm việc này ở nhà tại Nazareth và đã gặp sứ thần Gabriel khi đang đem nước từ giếng làng về nhà.

Theo kinh thánh Tân Ước của Thánh Luca chương 1 từ câu 26 đến 38 vừa được trích dẫn ở trên chỉ viết rằng “Chúa Trời gởi thiên thần Gabriel đến Nazareth” và “thiên thần đã đến với Maria” chứ không nói rõ nơi nào và Ðức Mẹ lúc đó đang làm gì? Mặc dù không xác nhận giếng nước là nơi xảy ra sứ điệp Truyền Tin nhưng rõ ràng giếng là nơi hàng ngày Ðức Mẹ đến đó để lấy nước về dùng. Khi Chúa Giêsu hãy còn thơ ấu chắc Chúa cũng theo Ðức Mẹ đến nơi đây.


Linh Mục Hạnh chúc lành cho anh chị Phùng Khải Tuấn và Trịnh Ngọc Lan ở Nhà Thờ Tiệc Cưới Cana.

Thời Ðức Mẹ giếng được dòng suối (nay gọi là Suối Maria) chảy vào cung cấp nước.

Hiện nay phía thượng nguồn nơi dòng suối chảy qua được giáo hội Chính Thống xây nhà thờ Thánh Gabriel cách giếng vài trăm mét. Ngày nay nhìn xuống giếng chỉ còn một vũng nước trong và người ta đã ném nhiều đồng bạc kim loại xuống đó.

Kiến trúc bên trên giếng hiện nay có từ thập niên 1960 xây lại từ mái hiên che giếng có từ thế kỷ 19. Theo những cuộc đào xới gần đây người ta tìm thấy những mương nước ngầm có thể từ thời Byzantine và thời Thập Tự Chinh dẫn nước từ giếng đến các nhà trong vùng. Một số đồ gốm từ thế kỷ thứ 2 cũng tìm thấy nơi đây.

Nhà Thờ Tiệc Cưới ở Cana

Rời Nazareth chúng tôi lên xe buýt hãng du lịch có bà Malca hướng dẫn để đi Cana. Tín hữu Thiên Chúa Giáo chắc đều biết làng Cana của xứ Galilê (Galilee) là nơi Chúa Jesus làm phép lạ đầu tiên trong đời Người để biến nước lã thành rượu trong tiệc cưới ở làng Cana. Kinh thánh Tân Ước được viết bởi Thánh Gioan (John) chép như sau về phép lạ này:

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giê-su. Ðức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giê-su nói với Người: ‘Họ hết rượu rồi.’ Ðức Giê-su đáp: ‘Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.’ Thân mẫu Người nói với gia nhân: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.’

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giê-su bảo họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi!’ Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ‘Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.’ Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: ‘Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.’ Ðức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.” (Gioan 2:1-12)

Cana (tên mới là Kafr Kanna) là một làng nhỏ ở vùng biển Galilee thuộc Israel cách Nazareth 5 miles (8 km) về hướng Ðông Bắc với dân số khoảng 8,500 người vừa Hồi Giáo vừa Thiên Chúa Giáo. Chúng tôi đến viếng Nhà Thờ Tiệc Cưới (Wedding Church) theo truyền thuyết được xây tại nơi Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu.

Nhà thờ nằm bên trong một khu phố của người Hồi buôn bán sầm uất. Các món hàng được bán cho du khách là rượu vang được dán nhãn làm tại làng Cana hay Galilee.

 Xe buýt chúng tôi phải đậu ở con đường lớn bên ngoài và đi bộ vào những hẻm nhỏ hai bên là các quán hàng buôn bán phần lớn là dùng cho tiệc cưới như chén bát, dĩa, ly tách, nồi niêu soong chảo, áo cưới cô dâu theo lối Tây phương và rượu vang. Chắc người Ả Rập, Hồi Giáo, Chính Thống Giáo mua sắm những thứ cần thiết cho đám cưới tại nơi đây để được ơn phép lạ như Chúa đã làm trong tiệc cưới ngày xưa tại làng này.

Nhà Thờ Tiệc Cưới khá nhỏ, mặt tiền ốp bằng đá trắng có hai tháp chuông hai bên, được xây năm 1881. Bên trong có hai tầng, nhà thờ trên có vòm mái (dome) hình bán cầu, trước bậc thềm dẫn xuống nhà thờ dưới có một tấm tranh Mosaic thời Byzantine từ thế kỷ 5 hoặc 6 có đề tên người dâng tặng theo ngôn ngữ Aramaic có nghĩa là: “Ðể tưởng nhớ người quá vãng Joseph, con của Tanhum, con của Bota và những đứa con của ông ta đã làm tấm bảng này, có thể nhờ đó mà họ được phép lành. Amen.”

Nhà thờ dưới có một nhà nguyện nhỏ và một phòng bảo tàng chứa những di vật tại địa điểm này như dụng cụ ép nho, một bồn chứa rượu và nhiều lọ bình niên đại khác nhau. Có một bình cũ mà người ta cho rằng là một trong 6 cái chum đựng nước mà Chúa đã làm phép lạ.

Linh mục hướng dẫn đoàn cử hành thánh lễ tại bàn thờ nơi nhà nguyện ở tầng dưới này. Từ sáng tới giờ, tôi lấy làm lạ khi thấy 4, 5 chị trong đoàn mặc áo dài và các ông đóng bộ đồ vết, cà vạt đàng hoàng. Hành hương đi bộ nhiều trong thời tiết mưa gió lạnh lẽo như hôm nay, mặc áo dài lượt thượt, lại mang giày cao gót đi lại rất khó khăn (vì chắc là không ai mặc áo dài lại mang... giầy thể thao - tennis shoes?).

Bây giờ mới hiểu ra là đến Nhà Thờ Tiệc Cưới này cha linh hướng sẽ làm lễ chúc lành cho các đôi vợ chồng trong đoàn hành hương. Nghi thức chúc lành “hấp hôn” được làm long trọng sau thánh lễ hôm nay. Chúc lành xong cha còn trao tặng bằng phép lành để đem về treo làm kỷ niệm và các bà lấy làm vui mừng cảm động nhớ lại ngày mặc áo cưới, đi một bước dừng lại một bước theo tiếng đờn organ réo rắt vào nhà thờ làm phép hôn phối! Ngày xưa đó thật tình tứ lãng mạn làm sao!

 Phép lành “hấp hôn” hâm nóng cuộc hôn nhân theo thời gian có chiều phai lạt. Hy vọng rằng khi trở về đời sống thường nhật sẽ không còn:

“Ðêm có tiếng... thở dài. Ðêm có những ngậm ngùi.
Khu phố yên nằm, đôi bàn chân mỏi. Trên lối về mưa bay...”
(“Tôi Với Trời Bơ Vơ” - Tùng Giang)

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung Quốc”, “Mùa Thu Ðông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada”. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

Trinh Hao Tam
3683 Hawks Drive
Brea CA 92823
Ðiện thoại 714-528-1413
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it