Home Đời Sống Y Học Viêm màng gân lòng bàn chân

Viêm màng gân lòng bàn chân PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác Sĩ Hồ Văn Hiền   
Thứ Bảy, 27 Tháng 10 Năm 2012 08:35

Khi tôi bước từ trên giường xuống, bất kể là nằm hay ngồi, thì hai chân tôi đều rất đau, đi rất khó khăn.

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của thính giả Trần Thu, ở Los Angeles, Bang California về viêm màng gân lòng bàn chân (Plantar fasciitis)

 Thính giả Trần Thu có câu hỏi như sau:

"Tôi tên Trần Thu, 54 tuổi, ngụ ở Los Angeles. Khi tôi bước từ trên giường xuống, bất kể là nằm hay ngồi, thì hai chân tôi đều rất đau, đi rất khó khăn. Đi khoảng 20 bước thì chân mới trở lại bình thường. Tôi bị 2 tháng nay. Tôi có uống thuốc giảm đau nhưng mà cũng không có kết quả lắm. Xin hỏi tôi bị bệnh gì và phải điều trị ra sao?"

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Dưới lòng bàn chân của chúng ta,phía sau gót, chúng ta có cái xương lớn nhất của bàn chân là calcaneum ( t. Anh: calcaneus),có nghĩa là xương gót.Từ xương gót đi ra phía trước có một màng gân cứng (aponeurosis, fascia),và phía đầu kia bám vào xương phía trước chân.Màng làm bằng mô liên kết (connective tissue,) gọi là màng gân của lòng bàn chân (plantar fascia). Cái màng này tác dụng như một sợi dây cung giữ vững cho cái vòng cung bàn chân (plantar arch of the foot) ở trên, lúc chịu đựng trọng lượng cơ thể, và co dãn như một cái lò xo lúc chúng ta bước đi. Nếu trong một số điều kiện như đi nhiều, đứng nhiều, giầy không vừa, dây gân lòng bàn chân có thể bị kéo rút, căng thẳng quá mức (strain) ở chỗ nó gắn nối (insertion) với xương gót. Chỗ này có thể bị đau hoặc viêm (sưng, đau, đỏ), đè vào thì đau.Nếu chúng ta bấm, đè vào một điểm phía trong lòng bàn chân, cách gót chân chừng 2 lóng tay (2 inch, 5 cm), bệnh nhân sẽ thấy rất đau ở điểm này.

Triệu chứng

Thường bệnh nhân sáng sớm ngủ dậy thấy đau nhói lòng bàn chân, nhất là lúc bước những bước đầu tiên,nhưng đi vài phút thì bớt đau.

Bs định bệnh bằng cách bấm vào chỗ màng gân gắn vào xương gót như mô tả ở trên.Phần đông không cần chụp hình XR.
Thường, chụp XR, thì có thể phát hiện các mấu xương gót (heel bone spurs), nhưng các mấu này không liên quan tới bệnh viêm màng gân lòng bàn chân.
Một số bệnh khác như viêm gân ( tendinitis),viêm khớp xương, lupus (lan san) có thể đau chân tương tự, bs cần phân biệt.
Riêng về viêm khớp thấp (rheumatoid arthritis), bệnh nhân có thể thấy khớp cứng nhắc (joint rigidity), đau, lúc mới dậy buổi sáng, hoạt động một hồi thì đau giảm đi. Tuy nhiên sẽ có những triệu chứng khác như sưng khớp, đau khớp suốt ngày; bs thử máu có những dấu hiệu của bệnh tự miễn nhiễm (autoimmune disease), nghĩa là trong bệnh viêm khớp thấp, cơ thể bệnh nhân gây ra những kháng thể chống các mô (xương khớp, mắt, mạch máu) của chính mình. Rheumatoid arthritis cần được định bệnh sớm và chữa trị thích hợp vì tiến trình mãn tính, có ảnh hưởng đến nhiều bộ phận.

Chữa trị:

1.    Nghỉ đứng lâu trong nhiều ngày, tránh chạy trên nền cứng như đường nhựa, xi măng.
2.    Tập bàn chân (stretching foot exercises [ theo Webmd.com]) để dãn màng gân và bắp cơ sau cẳng chân; ví dụ:
o    Toe stretch: ngồi trên ghế, đưa chân đau ra trước, gót đặt trên nền nhà, cúi xuống, kéo ngón chân cái về phía mình, giữ tư thế đó trong 15-30 giây;
o    Calf stretch; dãn cơ 'bắp chuối": đứng trước vách tường,chống hai tay về phía trước tựa vào tường, duỗi đưa chân đau ra sau, giữ cho gót chân nằm sát sàn nhà (nghĩa là đừng nhón ngón chân lên), co chân bên kia xuống, cho đến khi thấy cẳng chân đau căng thẳng ra, giữ như vậy 15-30 giây.
o    Towel stretch: ngồi, đưa chân ra phía trước, dùng khăn lông dài, tròng lên phía trước (mu)bàn chân,kéo hai đầu khăn về phía sau để kéo phần trước bàn chân, các ngón chân về phía mình,giữ hai đầu gối duỗi thẳng, giữ trong 15-30 giây. Có thể tập động tác này buổi sáng trước kho ra khỏi giường, để bớt đau lúc bước đi.
o    Các động tác trên, lập lại vài lần (2-4), làm 3-4 lần mỗi ngày.

3.    Dùng orthotics [những thiết bị nhét vào dày để giảm bớt căng thẳng màng gân lòng bàn chân (plantar fascia)và bắp cơ sau cẳng chân ('bắp chuối", calf muscle)] :
      -“orthotic insoles”: miếng cao su, plastic, lót dưới bàn chân để định hướng (alignment) bàn chân và che chỡ bàn chân, giảm bớt sức nén (pounding) trên bàn chân lúc bước, chạy.
      -“arch support”, để độn vòm chân lên cao hơn, làm cho vòm chân gánh chịu nhiều hơn phần sức nặng cơ thể.
4.    Đắp nước đá lên những vùng đau (lạnh làm giảm sưng/viêm)
5.    Nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"), giảm viêm nhóm NSAID (non-steroid anti inflammatory drugs): như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve); coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn, những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử nên tránh loại ANSAID này.
6.    Nặng hơn, bs chích thuốc corticoid và thuốc tê vào chỗ đau dưới lòng bàn chân
7.    Hiếm hơn, nếu cần bs giải phẩu cắt chỗ màng gân gắn vào xương gót (release of the plantar fascia from its calcaneus attachment).
8.    Người bệnh cần đi khám bác sĩ gia đình của mình để được định bệnh chính xác và chữa trị đúng mức. Có thể cần đến bác sĩ chân (doctor of podiatry) chuyên về săn sóc và giải phẩu một số vấn đề về đôi bàn chân.

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)